1 – Hiện nay, hoạt động mua bán nợ của các chủ thể không phải tổ chức tín dụng (TCTD) không phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, Luật Đầu Tư của Quốc Hội ngày 17 tháng 6 năm 2020 (Luật Đầu Tư 2020) đã loại bỏ ngành nghề “kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo thuyết minh của ban soạn thảo Luật Đầu Tư 2020 , chủ thể của giao dịch mua bán nợ có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào, dịch vụ mua bán nợ chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua bán nợ và hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại liên quan tới hoạt động mua bán hiện tại đã đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh giao dịch mua bán nợ cũng như các giao dịch hỗ trợ mua bán nợ .
2 – Nghị Định 69/2016/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 1 tháng 7 năm 2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (Nghị Định 69/2016) cũng đã bị bãi bỏ bởi Nghị Định 31/2021/NĐ-CP của Chính Phủ 26 tháng 3 năm 2021. Theo đó Nghị Định 69/2016 hết hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021.
3 – Do vậy, hoạt động mua bán nợ của các chủ thể không phải TCTD không chịu sự điều chỉnh riêng của văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào mà chịu sự điều chỉnh chung của Bộ Luật Dân Sự của Quốc Hội ngày 24 tháng 11 năm 2015 (Bộ Luật Dân Sự 2015).
4-. Theo Điều 365.1 của Bộ Luật Dân Sự 2015, bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ mua bán nợ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ các trường hợp sau:
(a) quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín; hoặc ………..
(b) bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.
5-. Theo Điều 274 của Bộ Luật Dân Sự 2015 thì nghĩa vụ được định nghĩa là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền). Một trong những căn cứ để phát sinh nghĩa vụ là hợp đồng.
6- . Do vậy, nếu một bên bán hàng có quyền yêu cầu bên mua hàng thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai bên (tức là khoản phải thu), thì giả định rằng giữa bên bán hàng và bên mua hàng không có thỏa thuận về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu thanh toán khoản phải thu, thì bên bán hàng hoàn toàn có quyền chuyển giao quyền yêu cầu này cho bên kinh doanh hoạt động mua bán nợ theo hợp đồng mua bán nợ ký giữa hai bên. Hợp đồng mua bán nợ này sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật Dân Sự 2015.
An Khang – Chuyên gia trong lãnh vực tài chính. Kinh nghiệm nhiều năm trong việc tư vấn nợ xấu cho tổ chức, cá nhân trên toàn quốc.